Kỹ năng nghề đóng góp 8,3% vào xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định 2 giải pháp trọng tâm và 5 trụ cột cơ bản để nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Đề xuất các biện pháp có tính đột phá trong năm mới
Theo thông tin đưa ra tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức vào cuối tháng 4/2022, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 67/141 quốc gia tham gia đánh giá.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá và xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) dựa trên 12 trụ cột với 117 chỉ số phụ, trong đó có trụ cột thứ 6 là kỹ năng nghề (KNN) có 9 chỉ số phụ chiếm 8,3% tỷ trọng trong tổng số điểm tính toán.
Theo ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để phân tích cụ thể ảnh hưởng của giáo dục đào tạo và KNN đến năng lực cạnh tranh quốc gia theo tiêu chí của WEF, cần nhìn vào 9 chỉ số phụ của trụ cột KNN.
Có thể thấy trụ cột KNN được đánh giá theo các chỉ số phụ có sự liên quan đến giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, các kỹ năng mà người lao động được trang bị đối với nhu cầu tuyển dụng, kỹ năng số…
Để nâng cao thứ hạng KNN theo đánh giá của WEF, chúng ta cần có sự đồng bộ và kết nối xuyên suốt từ giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, GDNN và nhu cầu tuyển dụng, xu hướng về kỹ năng số trong lực lượng lao động.
Để thực hiện được điều này, theo bài học của các nước có thứ hạng cao, đều phải có các cơ chế, chính sách, nhất là các mô hình nhằm tạo nền tảng cho việc tham gia đồng bộ của các đối tác liên quan đến phát triển KNN. Cụ thể là đại diện Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, giáo dục đào tạo và các đại diện liên quan.”Chính vì vậy, từ kinh nghiệm quốc tế, nhất là các nước phát triển và tương đồng với điều kiện của Việt Nam, Tổng cục đang triển khai nhiều biện pháp trong chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong đó chú trọng 2 giải pháp trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa, đổi mới phương pháp đào tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo, giáo viên và cán bộ quản lý”, ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, Tổng cục cũng tham mưu nhiều biện pháp đột phá trong dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam và dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ KNN Quốc gia.
Tổng cục đang đề xuất phát triển đồng bộ hệ sinh thái KNN gồm 5 trụ cột cơ bản: Chuẩn hóa KNN của người lao động; Đánh giá, cấp chứng chỉ KNN Quốc gia; Giáo dục đào tạo và GDNN; Tuyển dụng, sử dụng lao động có KNN và nguồn lực kỹ thuật, tài chính.
Theo đó, các biện pháp cụ thể, có tính đột phá gồm: Đề xuất phát triển Hội đồng KNN các cấp nhằm kết nối các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và các đối tác liên quan trong việc đối thoại, phối hợp tham vấn, tư vấn và triển khai đồng bộ các chính sách phát triển GDNN, KNN theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, trong đó tập trung ưu tiên các chỉ số mà WEF đang sử dụng để đánh giá về năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia;
Đề xuất quy định về quỹ hỗ trợ phát triển KNN trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm 2013, có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển KNN, nhất là KNN trình độ cao và cho các đối tượng ưu tiên, yếu thế;
Đề xuất các chính sách phát triển KNN trong Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Làm sao để chuẩn hóa trình độ KNN cho 50% người lao động?
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo dự thảo, Đề án tập trung chuẩn hóa trình độ KNN Quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động.
Ông Trương Anh Dũng cho biết, để đạt được mục tiêu trên, các nhóm giải pháp trọng tâm đã được đặt ra.
Thứ nhất, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ, thúc đẩy phát triển 5 trụ cột chính xuyên suốt gồm: Khung trình độ KNN Quốc gia; xây dựng tiêu chuẩn KNN Quốc gia; Giáo dục đào tạo, GDNN; Đánh giá, cấp chứng chỉ KNN Quốc gia, việc tuyển dụng, sử dụng người lao động có KNN.
Thứ hai, đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN, đánh giá, công nhận trình độ KNN cho người lao động, đặc biệt là người lao động cần có KNN cao, lao động yếu thế, lao động vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, lao động là phụ nữ, thanh niên, lao động làm việc trong các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao.
Thứ ba, xây dựng các bộ chỉ số đánh giá, đo lường, công bố trình độ kỹ năng lao động Việt Nam phù hợp với thực tiễn trong nước và so sánh, đối chiếu được với quốc tế, trong đó có thể so sánh, đối chiếu với bộ chỉ số thế giới về kỹ năng và việc làm (WISE) do Tổ chức Lao động quốc tế thực hiện, được các nền kinh tế G20 sử dụng, các chỉ số trong trụ cột kỹ năng của bộ chỉ số GCI của WEF nhằm đánh giá hằng năm về phát triển KNN của Việt Nam.
Thứ tư, phát triển và xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn KNN Quốc gia theo hướng coi trọng năng suất lao động, an toàn sức khỏe người lao động, đáp ứng nhu cầu KNN của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước và quốc tế;
Trong đó ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn KNN Quốc gia cho các nghề có công việc yêu cầu phải có chứng chỉ KNN Quốc gia, các nghề phục vụ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, các nghề thuộc ngành, nghề kinh tế trọng điểm, ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới;
Huy động các nguồn lực đảm bảo các hoạt động phát triển KNN, trong đó có tăng cường các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNN Quốc gia.
Thứ năm, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động với vai trò dẫn dắt xây dựng tiêu chuẩn KNN Quốc gia, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, công nhận trình độ KNN cho người lao động, các hoạt động phát triển KNN khác theo quy định; Hình thành Hội đồng kỹ năng ngành, nghề ở 3 cấp độ nhằm thiết lập cơ chế kết nối thực chất, hiệu quả giữa các bên liên quan.
Thứ sáu, tăng cường nguồn lực sẵn có và tạo cơ chế để có sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp hoặc người lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN, nhất là trình độ KNN cao của người lao động trong thời kỳ mới, thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển KNN.
dantri.com.vn – Quang Trường