Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến nhóm đối tượng lao động thanh niên và làm thay đổi xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp. Để đáp ứng được nhu cầu thị trường đòi hỏi người lao động, nhất là nhóm lao động thanh niên cần phải thay đổi kỹ năng, nâng cao tay nghề để không bị thất nghiệp và ảnh hưởng đến thu nhập.
Thêm sức hút để ‘kéo’ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề‘Cách mạng’ chuyển đổi số trong đào tạo nghềNâng cao kỹ năng lao động góp phần phục hồi kinh tế sau COVID-19
Tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày kỹ năng thanh niên thế giới (15/7/2022), Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết đến quý I/ 2022, cả nước có khoảng 52 triệu người tham gia lực lượng lao động, trong đó lao động là thanh niên (tuổi từ 16 – 30) khoảng 24 triệu người, chiếm 46%. Điều này cho thấy, lực lượng lao động là thanh niên có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhóm đối tượng là thanh niên, phụ nữ và lao động có kỹ năng nghề thấp bị ảnh hưởng đáng kể về thu nhập, việc làm…
Dẫn chứng về điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đưa ra số liệu từ Báo cáo “Xúc tác giáo dục 4.0 năm 2022” và Báo cáo “Nguy cơ toàn cầu năm 2022” của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đó là dù dịch Covid-19 diễn ra nhưng gần 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học trong 2 năm qua và ít được tiếp cận với các biện pháp khắc phục như học từ xa.
Dịch Covid-19 cũng gây ra sự mất cân bằng thị trường lao động, đặc biệt là tạo ra sự gia tăng khoảng cách về kỹ thuật số, giáo dục và kỹ năng. Cụ thể là dịch bệnh đã đề cao những ngành nghề liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số hay những ngành nghề yêu cầu kỹ năng, tay nghề cao như: phân tích dữ liệu và khoa học, trí tuệ nhân tạo, chuyên gia máy móc, dữ liệu lớn, marketing kỹ thuật số…
Có những khó khăn nhưng nhìn nhận từ thực tế cũng cho thấy, Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế, thanh niên luôn là lực lượng nhạy bén trong đổi mới chính mình, thích ứng, thích nghi nhanh chóng để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Do vậy, chủ động thay đổi tư duy, cách thức làm việc, biến “nguy” thành “cơ” bằng cách không ngừng học hỏi và bổ sung những kỹ năng nghề mới sẽ giúp nhóm lao động trong độ tuổi thanh niên thích nghi với thời cuộc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Và giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp hỗ trợ giải quyết các khó khăn của nhóm đối tượng thanh niên thông qua việc cung cấp cơ hội phát triển kỹ năng cho thanh niên thôi học, không có việc làm, không tham gia giáo dục, đào tạo.
“Tôi tin tưởng rằng lao động trẻ Việt Nam, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề sẽ luôn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội của đất nước trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và các thách thức toàn cầu hiện nay”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề hiện chỉ chiếm 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế.
Tham gia các kỳ thi giúp lao động thanh niên vững tay nghề và dễ dàng khởi nghiệp.
Để nâng tầm kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trẻ, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện đa dạng hóa các chương trình đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo, tạo điều kiện cho thanh niên tham dự các khóa đào tạo, kỳ đánh giá kỹ năng nghề để gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và thực hiện học tập suốt đời, phát triển sự nghiệp.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cần chú trọng bồi dưỡng, đánh giá, phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu doanh nghiệp; thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề…
Tại sự kiện, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương đã trao Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho anh Trương Thế Diệu – Huy chương Bạc nghề phay công nghệ cao tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2019, anh Nguyễn Đức Lợi – Huy chương Vàng nghề bảo trì máy công nghệ cao Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN năm 2018, chị Nguyễn Thị Doan – Huy chương Đồng nghề công nghệ thời trang Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN năm 2018, anh Trần Văn Phúc – Huy chương Đồng nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018.
Nguồn – Tạp chí Điện tử kinh doanh – VNBUSINESS
- 7 công việc cần làm của lễ tân khách sạn trước khi đón khách
- “Chuyến đò tình người” của người tàn mà không phế
- Học Ngôn ngữ Anh-English language HCCT tại sao không ?
- Ngành thương mại điện tử là gì? Học ngành thương mại điện tử tại HCCT như thế nào?
- Ngành Quản trị kinh doanh – học để nghĩ lớn, làm lớn